Bức xúc trong cán bộ, công chức

Ngày phản ánh: 17/05/2022
Địa điểm diễn ra: Huyện Hà Quảng

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi là cán bộ, công chức hiện đang công tác tại trên địa bàn huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên từ khi Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng nhận chức và triển khai thực hiện Công văn 2789 để đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng. Tuy nhiên việc thực hiện công văn 2789 còn nhiều bất cập và không được cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Hà Quảng ủng hộ. Tôi sẽ nêu một số nội dung sau và Kính mong UBND tỉnh Cao Bằng thật sự vào cuộc: Thứ nhất: Việc thực hiện 2789 tốn giấy, mực của nhà nước. Vì thực hiện Công văn 2789 mỗi đồng chí cán bộ, công chức xã hàng tháng ít nhất mỗi người sẽ phải có 3 tờ giấy giao việc hoàn thành nhiệm vụ trở lên, vậy có nhiều đồng chí sẽ có 5 – 10 tờ phiếu giao việc sẽ nhân với cán bộ, công chức trên địa bàn huyện thì rất là tốn tiền giấy và tiền mực in của nhà nước. Thứ hai: Các cán bộ công chức thực hiện việc chuyên môn hàng ngày không được tính phiếu giao việc là không đúng. Vậy hàng ngày các đồng chí cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính một cửa ở xã không được tính phiếu giao việc, với các địa bàn đông dân thì bộ phận một cửa giải quyết TTHC cho nhân dân hàng ngày rất nhiều việc đồng chí Chủ tịch huyện không nắm được các công việc mà các cấp đang thực hiện. Thứ ba: Một số đồng chí bị điểm đánh giá hàng tháng thấp sẽ bị đi thi kiểm tra kỹ năng công vụ. Nhưng khi các đồng chí cán bộ, công chức đi thi đạt điểm cao lại bị riêng đồng chí chủ tịch huyện đánh giá là không đạt cho thi lại (Tôi chưa thấy đồng chí lãnh đạo nào dở như vậy). Hàng ngày cán bộ, công chức chúng tôi phải làm chuyên môn, tiếp nhân dân, đi địa bàn thực hiện công tác chuyên môn đã là rất nhiều việc rồi, lại còn bị áp lực ôn thi mà thi xong đạt có điểm chấm đạt rồi là bắt thi lại gây bức xúc cho cán bộ, công chức. - Chúng tôi là cán bộ, công chức nhà nước đã được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn, được tuyển dụng theo đúng quy định của nhà nước luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao mà giờ vừa giải quyết công việc hàng ngày, hàng tháng lại còn phải ôn thi, nếu thi không đạt sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Thi đạt thì lại bắt thi lại làm như vậy cán bộ, công chức chúng tôi không yên tâm công tác. Thứ 4: Ngày 14/02/2022 có 01 đồng chí đã đại diện cho cán bộ, công chức đã phản ánh về thực hiện Công văn 2789 về đánh giá nhiệm vụ cán, bộ công chức hàng tháng. Đã có Văn bản trả lời của đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã tự soạn bảng đánh giá thực hiện 2789 đi từng phòng, ban, các xã lấy ý kiến xem có nên thực hiện 2789 không tuy nhiên thử hỏi đồng chí cho làm bảng tích không có ghi họ tên nhưng làm gì có ai dám đánh giá không phù hợp khi thực hiện kiểm phiếu tại chỗ. Nếu đồng chí Chủ tịch cho vào hòm phiếu kín không ghi tên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và để dồn về UBND huyện mới mở hòm phiếu thì tôi xin đảm bảo tỉ lệ phản đối thực hiện Công văn 2789 là 100%. Thứ 5: Một số đồng chí Chủ tịch UBND xã phản đối thực hiện Công văn 2789 đã bị đồng chí chủ tịch UBND huyện gọi lên uống nước chè, giáo huấn ép buộc làm bức xúc trong hệ thống cán bộ, công chức của huyện Hà Quảng. Trên đây là 5 vấn đề mà cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Hà Quảng muốn truyền đạt đến UBND tỉnh Cao Bằng về vấn đề thực hiện Công văn 2789 đang gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, công chức huyện Hà Quảng. Trước khi đồng chí Chủ tịch UBND huyện này đến nhậm chức tại huyện Hà Quảng chúng tôi vẫn luôn đạt các chỉ tiêu hằng năm UBND tỉnh giao, cán bộ, công chức đều thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Vì vậy Kính mong UBND tỉnh Cao Bằng sớm vào cuộc để cán bộ, công chức chúng tôi yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao. Tôi xin phép giấu danh tính cá nhân vì nếu bị biết danh tính sẽ nằm trong danh sách đen như các đồng chí Chủ UBND các xã đã phản đối thực hiện Công văn 2789. Xin cám ơn.

Thực hiện theo quy định, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng trả lời ý kiến “Bức xúc trong cán bộ, công chức” từ tác giả không nêu tên (nặc danh), được đăng tải vào hồi 14h12, ngày 17/05/2022 trên Cổng Kết nối Cao Bằng như sau: Đầu tiên: Công văn số 2789/UBND-VP và Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND huyện Hà Quảng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, được xây dựng theo một quy trình 5 bước với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện Hà Quảng; được Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Quảng nhất trí cho triển khai; được sự đồng thuận đa số tuyệt đối (theo hình thức bỏ phiếu kín) từ các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Nội dung này đã được UBND huyện Hà Quảng trả lời rõ tại Công văn số 1137/UBND-VP ngày 25/04/2022. Đối với từng nội dung cụ thể tại ý kiến “Bức xúc…”, tôi xin được trả lời như sau: Thứ nhất: Về ý kiến “Việc thực hiện Công văn 2789 gây tốn giấy, mực của nhà nước…”. Trả lời: Theo quy định tại Công văn số 2789, hàng tháng, mỗi cán bộ, công chức là cấp dưới của người đứng đầu phải có 3 công việc hoàn thành trở lên, được người đứng đầu đánh giá bằng cách chấm điểm cụ thể trên phiếu giao việc (của mỗi việc hoàn thành), phiếu này được lập thành 3 liên để: - 1 liên giao cho người thực hiện công việc đó giữ để làm bằng chứng. Nếu người đứng đầu có phê bình cấp dưới vì không làm được việc thì người bị phê bình có quyền đưa ra tập phiếu giao việc có điểm số đánh giá và chữ ký của người đứng đầu để nói rằng: “Tôi làm được việc, tôi có giá trị…, và anh không thể phê bình tôi…”. - 1 liên giao cho người đứng đầu giữ, để bảo vệ người đứng đầu, khi phê bình cấp dưới làm việc không tốt, bị người đó phản ứng lại: “Tôi làm việc tốt, tại sao bảo tôi không làm tốt?”. Khi đó người đứng đầu chỉ cần mang các phiếu giao việc của người đó ra, trên đó có điểm đánh giá, có chữ ký của người đó hoặc của người làm chứng để người đó không thể chối cãi được. - 1 liên lưu tại cơ quan đơn vị, để cấp trên tới kiểm tra, xem công tác giao việc và đánh giá của người đứng đầu có đúng, có khách quan, có công bằng hay không. Nội dung công việc hoàn thành của cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị có hiệu quả không. Như vậy, chỉ với 3 liên Phiếu giao việc hoàn thành: chất lượng công việc, năng lực của người đứng đầu, năng lực của người cấp dưới của người đứng đầu đã có bằng chứng ghi lại, để kiểm tra, xác nhận và xử lý sau này. Chỉ với 3 tờ giấy A4 đã tạo ra bằng chứng về chất lượng, hiệu quả công việc và trách nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan đơn vị. So với lãng phí do thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ thì 3 tờ giấy A4 này là giải pháp tiết kiệm hơn gấp nhiều lần. Thứ hai: Về ý kiến “Cán bộ công chức thực hiện ý kiến chuyên môn hàng ngày không được tính phiếu giao việc…”. Trả lời: Theo quy định tại Công văn số 2789, mỗi cấp dưới của người đứng đầu người chỉ cần có từ 3 phiếu giao việc hoàn thành trở lên trong 1 tháng là đủ điều kiện tính điểm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ tháng đó (nếu dưới 3 phiếu sẽ bị tính là không hoàn thành). Người đứng đầu sẽ tự biết có người cần đến 4 hoặc 5 phiếu; nhưng có người chỉ cần 3 phiếu giao việc hoàn thành là đủ. Người đứng đầu luôn có biện pháp để biết rõ năng lực, giá trị của từng cán bộ cấp dưới của mình. Cho nên, dù là 3, 4 hay 5 phiếu giao việc cho mỗi người cụ thể, người đứng đầu sẽ phải đánh giá chính xác. Nếu người đứng đầu đánh giá không chính xác, khi đó người tốt, người có năng lực sẽ không còn muốn làm tốt nữa. Cơ quan đơn vị sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, người đứng đầu sẽ lĩnh hậu quả. Mỗi cấp dưới của người đứng đầu có quyền đề xuất công việc mình thực hiện để người đứng đầu đánh giá bằng điểm số, nhưng quyền của người đứng đầu là có chấp nhận đề xuất ấy hay không. Điều này nhằm để bảo vệ người đứng đầu trước nguy cơ những người không tốt muốn làm cho người đứng đầu bị quá tải (do phải đánh giá quá nhiều). Thứ ba: Về ý kiến “Cán bộ, công chức đi thi đạt điểm cao lại bị riêng đồng chí Chủ tịch huyện đánh giá không đạt cho thi lại…”. Trả lời: Trong năm 2022, để nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu các phòng: Tài nguyên Môi trường, Kinh tế Hạ tầng và Tài chính Kế hoạch soạn ra nội dung nghiệp vụ, quy định cụ thể (gọi là nội dung tập huấn, thời lượng từ 15 đến 20 trang giấy A4 cho 1 lĩnh vực) để cán bộ, công chức cấp xã tự học, tự nghiên cứu (trước 1 tháng) sau đó sẽ tới huyện để được các phòng chuyên môn tập huấn về những nội dung này. Để đảm bảo cho cán bộ, công chức xã phải tự học, tự nghiên cứu, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các phòng trên, ngoài soạn thảo ra nội dung tập huấn phải soạn thảo thêm bộ câu hỏi trắc nghiệm về nội dung đó từ trên 100 câu hỏi trắc nghiệm, và gửi trước cho người được tập huấn. Khi tập huấn xong, mỗi cán bộ, công chức xã phải thực hiện kiểm tra từ 30 đến 45 câu hỏi trắc nghiệm trong bộ câu hỏi trắc nghiệm nêu trên. Mỗi người làm 1 đề riêng, với câu hỏi ngẫu nhiên lựa chọn trong bộ câu hỏi trắc nghiệm cho trước. Nếu không đạt, sẽ bị hạ 1 cấp mức độ hoàn thành nhiệm vụ 2 tháng liên tiếp với lý do: “Không hoàn thành nhiệm vụ tập huấn nghiệp vụ”. Thực hiện như vậy sẽ đảm bảo: 1- Nội dung tập huấn sát với thực tế; 2- Cán bộ, công chức xã phải thực sự tự học, tự nghiên cứu để hiểu tài liệu tập huấn; 3- Đánh giá được năng lực của cán bộ, công chức xã tham gia tập huấn; 4- Đánh giá được năng lực của phòng chuyên môn. Phòng Tài nguyên Môi trường đã tạo ra nội dung tập huấn đạt yêu cầu (trên 25 trang), nhưng chỉ tạo ra 36 câu hỏi trắc nghiệm để xáo trộn tạo ra các đề kiểm tra với 30 câu hỏi trắc nghiệm. Quá trình tổ chức tập huấn và kiểm tra đã thực hiện một cách hình thức, lãng phí, tốn thời gian và kém hiệu quả. Do vậy, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu 42 cán bộ, công chức xã phải thực hiện lại bài kiểm tra (có trên 20 ngày xem lại nội dung tập huấn), với các đề kiểm tra ngẫu nhiên từ 30 đến 50 câu hỏi lựa chọn từ 165 câu hỏi trắc nghiệm do Phòng Tài nguyên Môi trường soạn lại. Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo nội dung này tại Công văn số 1345/UBND-VP ngày 13/05/2022. Như vậy, chỉ có cán bộ, công chức nào không tự học, không tự nghiên cứu thì mới sợ kiểm tra lại. Cán bộ, công chức xã nào thực sự tự học, tự nghiên cứu, sẽ dễ dàng vượt qua được bài kiểm tra này. Kết quả là sẽ nâng cao được năng lực của cán bộ, công chức xã. Thứ tư: Về ý kiến “Lấy ý kiến có nên thực hiện Công văn 2789 hay không…”. Trả lời: Việc thực hiện khảo sát tác động của Công văn 2789 đến việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan đơn vị đã được Chủ tịch UBND huyện thực hiện tại Hội nghị cải cách hành chính và 6 xã: Cải Viên, Hồng Sỹ, Nội Thôn, Trường Hà, Mã Ba, Ngọc Đào bằng hình thức bỏ phiếu kín tuyệt đối với 198 người tham gia. Mỗi cuộc khảo sát đều có biên bản, danh sách người tham gia (có ký tên), quá trình khảo sát được tất cả mọi người tham gia khảo sát xác nhận là minh bạch, công bằng và chính trực. Toàn bộ hồ sơ được lưu tại UBND huyện có thể công khai cho bất cứ ai mong muốn được biết. Trong 9 câu hỏi khảo sát có Câu hỏi số 9 “Đồng chí có đồng ý tiếp tục thực hiện Công văn 2789 tại cơ quan, đơn vị của mình không?” được 176/198 người trả lời đồng ý, đạt tỷ lệ 89%. Chỉ có 6/198 người trả lời không đồng ý, với tỷ lệ là 3%. Điều này chứng tỏ đòi hỏi đánh giá công bằng, khách quan trong hoạt động công vụ đã trở thành nhu cầu bức thiết ngay trong chính đội ngũ cán bộ, công chức của huyện Hà Quảng. Vậy những ai sẽ đồng ý với Công văn 2789: Là những người có năng lực, làm được việc, tạo ra nhiều giá trị cho cơ quan tổ chức, cho nhân dân. Là người muốn có những phiếu giao việc hoàn thành là bằng chứng mà trên đó có điểm số đánh giá chính là sự công nhận của người đứng đầu đối với kết quả công việc của chính bản thân họ. Theo khảo sát nêu trên, có tới 176/198 người đồng ý với tỷ lệ 89% số người được khảo sát. Những ai sẽ không đồng ý với Công văn 2789: Là những người không có năng lực, không muốn làm việc hoặc không làm được việc; không tạo ra hoặc tạo ra rất ít giá trị cho cơ quan, tổ chức và cho nhân dân. Họ rất sợ bị xem xét, đánh giá công việc cụ thể họ làm, đặc biệt là sự xác nhận và lưu giữ bằng chứng về kết quả công việc cụ thể của chính họ. Theo khảo sát nêu trên, chỉ có 6/198 người không đồng ý với tỷ lệ 3% số người được khảo sát. Thứ năm: Về ý kiến “Một số đồng chí Chủ tịch UBND xã phản đối Công văn 2789 bị Chủ tịch UBND huyện gọi lên uống nước chè…”. Trả lời: Mỗi công dân đều có quyền, lợi ích hợp pháp, được nhà nước bảo vệ, Chủ tịch UBND huyện không thể vi phạm pháp luật, xâm hại những quyền và lợi ích này. Những bức xúc nếu có, hãy trình bày trực tiếp với người gây ra bức xúc hoặc trình bày trước các cơ quan, tổ chức, nơi mình công tác; hoặc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định để các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trên đây là nội dung trả lời ý kiến của tác giả không nêu tên (nặc danh), và cũng để mọi bạn đọc trên Cổng Kết nối Cao Bằng được biết. Xin trân trọng cảm ơn! Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Phạm Xuân Tùng

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào

Đánh giá của bạn:  

Bình luận

Công văn này thêm việc cho cán bộ công chức. Giải trình kiểu đôi co. Không dẫn chứng bằng các căn cứ, văn bản của cấp trên. Luật này sinh ra là sáng kiến riêng của CT. Nhưng không khả thi rồi, nên bỏ

Gửi ngày 04/06/2022 21:20

Từ làm ở tỉnh giờ về huyện vẫn thế. Quan liêu, bảo thủ ko thực tế

Gửi ngày 31/05/2022 15:40

Xưa nay các bác công chức có sức ỳ quá lớn rồi, giờ mới được giao chỉ tiêu nhiệm vụ và kiểm tra trình độ thì bức xúc ngay được.

Gửi ngày 26/05/2022 09:20

văn minh

Cái công văn 2789 các cán bộ công chức đều bằng mặt k bằng lòng. Ra mặt phản đối thì sợ. Làm việc mà áp lực. Chỉ dám kêu trời. Đi đến đâu cũng nghe tiếng kêu của các cán bộ xã huyện. Cả nước chỉ có hà quảng đẻ ra cái cv 2789 này. Bộ nội vụ chắc cũng thua hà quảng.

Gửi ngày 23/05/2022 21:19

Nếu CT huyện mà làm đúng thì đã k có bức xúc như vậy rồi. Ai mà dám đứng lên ý kiến là bị dìm k thương tiếc ngay :)) Tỉnh k vào cuộc mà lại chuyển lại cho huyện trả lời thì lại đâu vào đấy tiếp thôi

Gửi ngày 19/05/2022 14:52

Chuyển lại ubnd huyện Hà Quảng thì chắc chắn rằng sự việc sẽ bị lãng quên ngay.

Gửi ngày 17/05/2022 16:02

Lê Kim Tuyến

Xử lý quá hay. Phản ánh lên tỉnh thì lại chuyển về huyện để làm gì ? Làm sai bằng cái rành như thế họ mà nhìn thấy cái sai của mình thì đã không có sự bức xúc vậy rồi.

Gửi ngày 17/05/2022 15:48